Nhật Bản – đất nước thường xuyên phải gánh chịu thương đau từ thiên tai, thảm họa thiên nhiên, nhưng chính tính cách dân tộc kiên cường cũng như hình ảnh một đất nước vươn mình hồi sinh sau thảm họa luôn khiến cả thế giới nghiêng mình kính phục.
Nhìn vào tính cách con người, tính cách dân tộc Nhật Bản, người ta vẫn nhắc đến “Triết lý cây lúa của xứ sở Phù Tang”. Triết lý cây lúa được người Nhật dạy cho con trẻ từ thửa ấu thơ, dù ở đâu, làm gì cũng phải sống như cây lúa, lúc hạt lép thì phải ngóc lên, khi hạt chín, mẩy thì trĩu xuống. Điều đó có nghĩa là khi còn đói nghèo hay kém cỏi thì càng phải biết vươn lên, vượt khó vượt khổ, khi no đủ giàu có, hay giỏi giang thành đạt thì nên biết khiêm nhường cúi đầu, không tự cao, kiêu ngạo.
Nước Nhật sau thảm họa thiên tai chẳng khác gì một cây lúa mới trổ bông, và họ cũng đã chứng minh cho cả thế giới thấy triết lý cây lúa của mình với một ý chí, tinh thần kiên cường vượt qua thời khắc khó khăn, khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ và khâm phục. Người Nhật đứng trước thảm họa, mất mát và đau thương nhưng họ không hề hoảng loạn, không hề tranh giành cướp bóc, họ bình tĩnh ứng xử với thảm họa, họ đùm bọc sẻ chia lẫn nhau. Hình ảnh những đoàn người xếp hàng dài chờ lấy lương thực, đồ cứu trợ đã làm rung động hàng triệu trái tim con người trên thế giới.
Nhìn con người Nhật Bản, ngẫm triết lý cây lúa và tự hỏi rằng: Sẽ như thế nào nếu thảm họa nghiêm trọng này xảy ra tại một quốc gia khác? Nhìn vào lịch sử, có lẽ câu trả lời sẽ là hậu quả còn tệ hơn gấp nhiều lần.
Những đức tính đáng quý của người Nhật cũng như triết lý cây lúa chắc chắn sẽ là giá trị mà nhiều người Việt Nam ta cần học tập.
(Sưu tầm)